Vượt hơn trăm cây số, tôi đến với thôn Vắc Y Nhong, xã Đăk Ring (huyện Kon Plông) để gặp anh A Tông, một trong những gương sáng về phát triển kinh tế ở địa phương.
Quả đúng như nhiều lời tấm tắc, không chỉ khéo tay hay làm, A Tông còn là điển hình trong thôn về áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất để nâng cao thu nhập cho gia đình.
Giữa cái nắng như đổ lửa 12 giờ trưa, anh A Tông vẫn đang lụi hụi cắt, gom từng bó cỏ ngoài vườn. Vuốt khuôn mặt đỏ au, lấm tấm những giọt mồ hôi, A Tông cất lời: “Đến rồi đó hả em, đường xa vất vả không? Đợi anh chút nhé! Tranh thủ thời gian rảnh buổi trưa, anh gom ít cỏ cho mấy con trâu ăn. Nuôi “bọn trâu” này mình phải để ý kỹ, quan tâm, chăm sóc thường xuyên mới có thể vỗ béo hiệu quả”.
Theo chân anh A Tông thăm 4 con trâu gia đình đang nuôi. Từng con một to khỏe, béo núc ních, chúng chộn rộn mừng rỡ khi thấy A Tông ôm cỏ đến. Vừa lùa cỏ vào chuồng, A Tông cười vui vẻ: “Nhờ học tập và áp dụng tốt các kỹ thuật chăn nuôi, cộng thêm tôi mát tay nên đàn trâu mới phát tướng thế này đấy. Năm ngoái tổng đàn có 7 con, cuối năm rồi tôi đã xuất bán 3 con thu về 60 triệu đồng. Mấy con này tôi dự định để gây lại đàn và sẽ bán vào thời điểm được giá hơn hiện tại”.
Cùng với nuôi trâu, anh A Tông còn nuôi 20 con heo đen và heo sọc dưa. Số heo này được anh nhập về từ đầu năm nay để nuôi thử nghiệm. Hiện tại đàn heo đều rất khỏe mạnh và phát triển ổn định. Anh A Tông hào hứng: “Cứ đà này thì cuối năm tôi có thể xuất bán được rồi. Với giá thị trường như hiện tại, ước tính đàn heo có thể thu về khoảng 50 triệu đồng”.
A Tông tiên phong nuôi cá niên ở xã Đăk Ring. Ảnh: T.T
Không chỉ mạnh dạn phát triển chăn nuôi gia súc, anh A Tông còn trồng các loại cây có tiềm năng kinh tế cao. Anh đã trồng 1ha cây sả Java. Theo anh A Tông đánh giá, đây là loại cây có sức sống mãnh liệt, phát triển tốt ở nơi đất xốp, thô, có độ ẩm cao phù hợp với thổ nhưỡng, thời tiết địa phương. Bên cạnh đó, cây sả Java hầu như không cần bón phân, nên có thể tiết kiệm chi phí đáng kể. Với đặc tính sinh trưởng, phát triển nhanh nên trong một năm, cây cho thu lá khoảng 4 -5 lần.
Khác với các hộ khác chỉ cắt lá để bán thô, anh A Tông đã tự mình mày mò chế biến, nấu tinh dầu từ lá. Theo đó mỗi lần thu hoạch trên diện tích 1ha của mình, anh chế biến khoảng trên 20 lít tinh dầu sả. Các sản phẩm sau khi chế biến đều có giá trị cao hơn lá bán thô rất nhiều, mỗi năm vườn sả Java thu về trên 25 triệu đồng.
Cùng với cây sả Java, anh A Tông đang trồng và chăm sóc 7ha keo và 2 ha bời lời. Tuy cả hai loại cây này anh đều chưa thu, nhưng hiện tại đang phát triển tốt, hứa hẹn sẽ mang lại cho anh khoản thu đáng kể trong tương lai gần.
Anh A Tông tâm sự: “Dù xoay vòng với nhiều loại cây trồng, vật nuôi khác nhau, tuy nhiên, mô hình tôi đặt nhiều công sức và tâm huyết nhất chính là nuôi cá niên. Là một người đã gắn bó hàng chục năm trên vùng đất này, tôi nhận thấy giống cá niên – đặc sản của địa phương đang suy giảm và dần biến mất ở một số nơi. Chính vì vậy, tôi nảy ra ý tưởng nuôi cá niên để bảo tồn giống, đồng thời phát triển kinh tế cho gia đình”.
Từ suy nghĩ đến hành động, anh A Tông tự mình đào ao rộng chừng 20m2 để nuôi cá niên thử nghiệm. Ban đầu vì bản thân chưa đủ kiến thức và kỹ thuật nên lứa đầu thất bại. Không nản chí, anh mày mò tìm đến những mô hình nuôi cá niên ở các nơi để tham khảo. Dần dà, anh hiểu được rằng, để cá niên sinh trưởng và phát triển ổn định, cần phải đáp ứng đủ 3 yếu tố: Nhiệt độ trong nước, môi trường sạch và lượng oxy phù hợp.
“Nắm được các yếu tố cơ bản, tay nghề tôi ngày càng tiến bộ. Bên cạnh đó, sự trợ giúp lớn nhất đối với tôi trong mô hình này chính là được Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ chọn làm hộ gia đình triển khai dự án xây dựng quy trình sản xuất giống và nuôi thương phẩm cá niên tại xã Đăk Ring” – anh A Tông mừng rỡ.
Nhờ được các giảng viên ở Trường Đại học Cần Thơ “cầm tay chỉ việc” hướng dẫn tỉ mỉ cách thức nuôi, phối giống, xây dựng môi trường…, đến hiện tại, anh A Tông đã có 8 ao cá (4 ao đang nuôi cá và 4 ao đang xây dựng) với tổng diện tích mặt nước 6.500m2. Đàn cá đã lên đến hơn 10 nghìn con, trong đó, khoảng 5 tạ cá có thể xuất bán, ước tính thu về khoảng 180 triệu đồng.
Chia sẻ dự định của mình, anh A Tông cho biết sẽ tiếp tục đầu tư, mở rộng mô hình hơn nữa để tiếp tục lao động, sản xuất, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội.
(Nguồn :https://www.baokontum.com.vn/xa-hoi/a-tong-guong-sang-vung-sau-20549.html)